Bộ Kinh Liên Kết (Tương Ưng Kinh Bộ) (bản In 2024)
Phiên bản Pali-Anh: Tỳ kheo Bồ-Đề
Người dịch: Lê Kim Kha
Về bản dịch
- Bản dịch Việt này dựa vào phiên bản Pāli-Anh của nhà sư Tỳ Kheo Bồ-Đề (Bhikkhu Bodhi, đại trưởng lão, học giả, dịch giả uyên bác, nhà từ thiện). Đây là bản dịch chính xác nhất từng câu chữ của kinh văn nguyên thủy với đủ các chú-giải cần thiết. Có nhiều chỗ tham chiếu với các phiên bản của nhà sư Ajahn Sujato và PTS. - Để hình dung nhanh: Bộ Kinh SN này có 05 QUYỂN lớn (Vagga); mỗi QUYỂN được đặt tên theo tên của CHƯƠNG đầu tiên của nó. Toàn bộ kinh có 56 CHƯƠNG. Mỗi chương là đồng nghĩa với một LIÊN-KẾT (tương ưng) theo một chủ-đề chính nào đó (ví dụ: liên-kết về Nhập-Lưu, liên-kết về Ca-Diếp, liên-kết về Citta …). Bản dịch Việt này đánh số CHƯƠNG trùng với số LIÊN-KẾT luôn. Trong nhiều CHƯƠNG lại có các NHÓM kinh (vagga). - Các giải thích trong ngoặc tròn (…) là của người dịch, chỉ để làm rõ thêm nghĩa theo tiếng Việt của câu hay chữ chỗ đó. - Các giải thích, diễn dịch trong ngoặc vuông […] có trong kinh và trong cả phần chú-thích là của thầy Tỳ Kheo Bồ-Đề (có chỗ ghi luôn [TKBĐ]). - Còn các chú-giải của các luận giảng (như Spk, Spk-Pṭ, Vism …) thì đã được ghi rõ tên ngay đầu câu. - Trong phần chú-thích có chỉ dẫn các kinh chỉ ghi số như 12:08, 56:34 có nghĩa chúng thuộc bộ kinh SN này; vì nếu thuộc bộ kinh khác thì đã ghi rõ là AN, MN, hay DN … trước số kinh. Người dịch Việt cũng ghi luôn số của Quyển để dễ dàng tra chiếu, ví dụ 12:08 (Quyển 2), 56:34 (Quyển 5). - Một số chữ Hán-Việt đã được quen dùng bởi các Phật tử Việt Nam thì được người dịch mở ngoặc ghi thêm, ví dụ: sự tạo-tác (hành), những hiện-tượng (các pháp), nhận-thức (tưởng), sáu cơ-sở cảm-nhận (sáu xứ) … + Lời nhắn gửi của người dịch: người tu học nên lần lượt đọc hết những lời dạy của Phật! vì làm vậy cũng không mấy khó khăn. Với các tăng và ni đã bỏ một đời để đi tu lẽ nào không bỏ ra thời gian một hai tháng để đọc qua hết các kinh của Phật. Ví dụ trong bộ kinh SN này, mỗi ngày dành ít thời gian đọc một Liên-kết (chương, tương ưng) dài hay vài Liên-kết ngắn, thì trong một số ít ngày quý vị sẽ đọc hết một QUYỂN, rồi hết Bộ Kinh. Số kinh tóm-lược theo các “khuôn mẫu” là rất nhiều, nhưng quý vị chỉ cần đọc lướt qua. Bản dịch bằng tiếng Việt phổ thông nên ai cũng có thể đọc hiểu được (và lời nói của Phật là rõ ràng từng câu chữ). Đọc qua các kinh quý vị sẽ có được cách-nhìn rộng mở hơn mà sâu sắc và đúng đắn hơn về đạo Phật, hiểu đúng giáo lý đích thực và lý tưởng của Phật để tu hành. Và chắc chắn tâm sẽ dần đổ về, nghiêng về, và ngã về hướng buông bỏ giải thoát của đạo Phật. - Do bộ kinh có nhiều liên-kết theo chủ-đề khác nhau nên quý vị có thể chọn bất kỳ QUYỂN nào và trong đó có thể chọn những liên-kết nào mình quan tâm hơn để đọc trước. Ví dụ, nếu quý vị muốn đọc về các phẩm-chất để chứng ngộ thánh quả Nhập-lưu thì có thể đọc Liên-kết ‘Nhập-Lưu’, về lý duyên-khởi và vòng nhân-duyên thì đọc Liên-kết ‘Nhân-Duyên’, về ngài Ca-Diếp thì đọc Liên-kết ‘Ca-Diếp’ … + Nên đọc một bài kinh từ đầu đến cuối để nắm được nghĩa chính của kinh, ngay cả khi có chữ nào khó hiểu. (Hầu hết lời các kinh là đơn giản, tự rõ nghĩa). ĐỪNG LO ĐỌC NHỮNG CHÚ-THÍCH, vì nếu cứ dừng lại để tra những chú-thích về các chữ thì người đọc có thể bị lạc khỏi chủ-đề của bài kinh, do tâm trí chúng ta hay chuyền nhảy qua các chủ đề và liên tưởng khác khi đọc các chú-giải này nọ. Nếu có câu nào, chữ nào, hay thuật ngữ nào khó hiểu thì sau khi đọc xong bài kinh mới nên tra các chú-thích để hiểu. Cuối cùng, là phước lành lớn lao nhất trong muôn vàn kiếp, người dịch đã gặp gỡ và hưởng dụng đại công trình dịch thuật tận tâm, tỉ mỉ và kỹ càng nhất từ xưa đến nay của ngài Tỳ Kheo Bồ-Đề từ Tạng Kinh Pāli, dựa vào đó dịch các bộ kinh ra tiếng Việt phổ thông. Mãi mãi biết ơn công đức như thái dương của thầy. Tôi cũng có tham vọng như thầy: tham vọng lớn nhì là để cho Tăng, Ni và Phật tử nhiều đời đọc đúng lời Phật dạy để tu hành giải thoát, và tham vọng lớn nhất là để bảo tồn các kinh nguyên thủy khỏi bị mai một mỗi ngày qua nhiều người diễn dịch. Nhà Bè, Mùa mưa 2018 (PL 2562) |
NỘI DUNG SÁCH:
Quyển 1 - Quyển Có Thi-Kệ (Sagāthā-Vagga)
Quyển 2 - Quyển Nhân-Duyên (Nidāna-Vagga)
Quyển 3 - Quyển Năm Uẩn (Khandha-Vagga)