Giáo Lý của Phật để sống Hòa Hợp (bản In 2024)

Tỳ kheo Bồ-Đề
Lê Kim Kha dịch

giao-ly-cua-phat-de-song-hoa-hop.png (115 KB)

 

Về quyển sách này

Kính gửi quý tăng, ni; quý độc giả,

Quyển sách này là trích chọn các bài kinh mà Phật đã nói với ý để những người nghe hiểu-biết và thực-hành để có được sự hòa-hợp trong một tập thể, một đoàn thể, trong cộng đồng, xã hội, và cả trong Tăng Đoàn.

Phật giáo và đạo Phật là những giáo-lý và những sự tu-tập để dẫn tới mục tiêu rốt ráo của nó là sự giác-ngộ và sự giải-thoát khỏi vòng luân-hồi sinh tử. Tuy nhiên, (a) mọi người thế tục đều đang sống trong các cộng đồng dân cư, trong các tập thể, trong các đoàn thể, và trong xã hội; và (b) những người xuất gia dù đã bỏ tục đi tu nhưng họ vẫn đang sống tu trong những cộng đồng tu sĩ, đó là trong các Tăng Đoàn địa phương. Do vậy, tính ra ai cũng cần phải sống hòa-hợp trong các cộng đồng của mình, vì nếu ai không sống được hòa-hợp trong các cộng đồng thì người đó khó mà có được sự thành công, sự an ổn và hạnh phúc trong đời sống phàm thường hay trong đời tu.

Nhưng con người thì quá đông đúc mà tính khí, truyền thống, tôn giáo, sự giáo dục, cách hiểu biết, căn bản đức hạnh, dục vọng, tính tự ta … của mỗi người thường mỗi khác, cho nên (a) giữa muôn vàn cá nhân đó đã luôn luôn xảy ra những bất đồng, tranh chấp, tranh đấu, chia rẽ, và thậm chí giết hại lẫn nhau. (b) Rồi giữa những xứ sở, những quốc gia, những khối quốc gia, thậm chí giữa các tôn giáo … cũng luôn xảy ra những sự tranh chấp, đấu tranh và chiến tranh dai dẳng dường như bất-tận trong lịch sử nhân loại. (c) Rồi thậm chí trong riêng một tôn giáo, ví dụ như trong Tăng Đoàn Phật giáo, thậm chí ngay từ thời còn Đức Phật cho tới tận bây giờ, cũng có xảy ra những sự tranh cãi, sự tranh chấp, và sự chia rẽ. Tất cả cũng chỉ vì những nguyên-nhân gốc rễ mới nói trên.

Quý vị sẽ đọc thấy Đức Phật đã giảng dạy chi tiết hơn về những thực-trạng này qua các bài kinh đã được sưu tập, trích dẫn, diễn dịch bởi nhà sư, học giả Tỳ Kheo Bồ-Đề (người đã dịch lại các bộ kinh Nikaya một cách chính xác với đầy đủ những chú-giải).

Như nhà sư này cũng đã nói, hầu hết những lời kinh Phật đã dạy vẫn luôn còn giá trị và hiệu lực trong thời đại ngày nay, và chúng có thể được ứng dụng để tạo lập sự hòa-hợp và sự tốt-đẹp trong các tập thể, các đoàn thể xã hội, kinh tế và tôn giáo, các cộng đồng, và đặc biệt trong Tăng Đoàn ở các chùa chiền và tu viện Phật giáo ngày nay.

Trong toàn quyển sách, những chú thích trong ngoặc vuông […] là ý của lời kinh gốc, hoặc chú giải của nhà sư Tỳ Kheo Bồ-Đề. Những giải thích thêm bằng tiếng Việt trong ngoặc tròn (…) là của người dịch chỉ để làm rõ thêm nghĩa của lời kinh. Người dịch đã tách riêng phần trích dẫn các kinh của Phật và phần giới thiệu về các chương của thầy Tỳ Kheo Bồ-Đề.

Sách này được dịch và in để phát tặng miễn phí (ấn tống). Sách cũng có trên trang daophatnguyenthuy.com để thuận tiện cho các độc giả có thể đọc trên thiết bị vi tính.

Sài Gòn, mùa Vu Lan, Đinh Dậu (2017)
(hiệu đính và in 2022)
Người dịch

 

NỘI DUNG SÁCH:

Quyển 1: Giáo Lý của Phật để sống Hòa Hợp

Quyển 2: Giới thiệu về các chương