Trích chọn các Kinh theo các chủ đề giáo lý (bản In 2024)
Lê Kim Kha dịch
Lời Người dịch
Kính gửi các đạo hữu: (A) Quyển sách này gồm đoạn-kinh và bài-kinh được trích chọn theo những chủ-đề giáo lý bởi nhà sư, trưởng lão, học giả, dịch giả Tỳ Kheo Bồ-Đề [Bhikkhu Bodhi] trong thời gian và sau khi thầy đã dịch lại các bộ kinh Nikaya Pali. Sự tuyển chọn này là một công trình thật hữu ích cho nhiều Phật tử và độc giả trên khắp thế giới. Cũng như vậy, tôi hy vọng nó sẽ rất hữu ích và thuận tiện cho nhiều người Việt Nam như: - Các sư thầy có thể dùng để trích dẫn và giảng rộng các lời kinh theo các chủ-đề cho các Phật tử. - Các tăng sinh, sinh viên đang theo học ở các trường Phật giáo. Những người nghiên cứu cần tìm nhanh và trích dẫn các kinh (cho dù còn rất nhiều những giáo lý và chủ đề khác trong các bộ kinh). - Các Phật tử và những người bắt đầu tìm hiểu Phật giáo muốn tìm đọc những lời dạy của Phật theo những chủ-đề mình muốn đọc, nhưng họ chắc chắn gặp khó khăn vì những bài kinh đó nằm rải khắp trong Tàng Kinh lớn của Phật giáo. - Và những người đọc thời nay không thể đọc hiểu được các bản dịch có dùng tiếng Hán hay Hán Việt của các vị sư thầy trước kia. Bản dịch tiếng Việt phổ thông của các Bộ Kinh đã cố gắng dịch đúng và chính xác từng lời và ý nghĩa của những kinh gốc, cố gắng không để bị sai lạc một từ ngữ nào; từ các bộ kinh đó trích dẫn qua tuyển-tập này. Hy vọng quý độc giả dễ dàng đọc hiểu được hầu hết những lời dạy của Phật. (B) Vì là người đọc qua nhiều lần từng chữ từng câu của mỗi bài kinh và dịch chúng: QUÝ VỊ ĐỪNG ĐỌC CÁC CHÚ THÍCH!!! trong khi đang đọc một bài kinh–(1) bởi vì hầu hết lời kinh của Phật nói đều đã rõ nghĩa, quý vị đọc hiểu chữ và nghĩa thì không cần đọc các chú thích; (2) nếu nhảy qua đọc các chú thích thì sẽ bị lạc mất khỏi ý-nghĩa đơn thuần và chủ-đề của bài kinh vì tâm trí chúng ta luôn chạy nhảy phóng theo những lời chú thích; (3) những chú giải là những diễn dịch của các luận giải thời sau kinh, không phải lúc nào cũng đúng, trong khi lời kinh đã rõ nghĩa. (4) Những người như các Tăng, Ni đã tu học đủ nền tảng căn bản giáo lý của Phật, họ đọc thêm các chú thích để có thêm các thông tin để giảng dạy, hoặc để tham khảo thêm các nghĩa về kỹ thuật, về thực hành, hoặc để đối chiếu với các kinh liên quan, hoặc để đọc thêm các dữ kiện lịch sử; nhưng họ cũng làm vậy sau khi đã đọc trọn vẹn qua bài kinh, đã hiểu biết ý nghĩa của bài kinh. - Trừ một số rất ít câu hay thuật ngữ khó hiểu thì sau khi đọc xong bài kinh thì mới nên coi chú thích; NHƯNG SAU MỖI KHI ĐỌC XONG CÁC CHÚ THÍCH, QUÝ VỊ NÊN ĐỌC LẠI BÀI KINH ĐỂ CHO TÂM TRÍ MÌNH HIỂU VÀ CHỈ GHI NHỚ NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA BÀI KINH ĐÓ: đó mới là mục đích chính của việc đọc và học hiểu các kinh của Phật và những thánh tăng. Đối với [một Quyển kinh hay một Bộ kinh, hoặc] Quyển tuyển-tập này: quý vị nên thong thả đọc qua từ đầu đến cuối như một “CÂU CHUYỆN LỚN” của Phật giáo; đọc như vậy sẽ rất diệu dụng cho tâm, không cần phải nhớ thuộc các kinh, nhưng cái TÂM tự nó sẽ dần dần biết, hiểu và ghi nhớ những giáo lý và ý nghĩa của Phật giáo và đạo Phật. Đó là phần-thưởng và phúc-lợi lớn lao của quý vị; cũng lớn lao như việc sau đó thực hành chúng và tự chứng ngộ chúng. Những người đã học hiểu nhiều kinh sách hoặc những sư thầy đang giảng các kinh thì có thể tìm đọc theo những chủ-đề trong phần mục lục chi tiết ở đầu Quyển sách này hoặc trong các Quyển kinh. RIÊNG QUYỂN TUYỂN TẬP NÀY: Tôi thiết nghĩ quý vị nên đọc qua từng Chương, rồi sau đó có thể đọc phần Giới Thiệu về Chương đó ở phần PHỤ LỤC sau sách, sau đó quay lại đối chiếu các ý nghĩa của từng bài kinh hay đoạn kinh. Sau khi đọc phần Giới Thiệu được dẫn dắt bởi thầy TKBĐ, quý vị không nên nắm giữ những lời giới thiệu đó vì chúng có thể làm xao lãng sự ghi nhớ những giáo lý chính của các bài kinh. Vì, một lần nữa, sự đọc hiểu và ghi nhớ ý nghĩa và các giáo lý của các bài kinh mới là quan trọng! (C) Các độc giả có điều kiện đọc trên máy tính hoặc các thiết bị cầm tay, quý vị có thể bấm vào các đường dẫn trong cột MỤC LỤC tự động bên trái, phần các nội dung chủ đề, phần chú giải, và phần các danh mục cuối sách để lập tức nhảy tới ngay chỗ quý vị muốn tìm đọc. Bản dịch này có đăng trên trang www.daophatnguyenthuy.com. (D) Mỗi Chương gồm các Phần 1, 2, 3…; và trong mỗi Phần có thể có các Mục (1), (2), (3)…; và trong một số Mục lại có thể có những Chi Mục (a), (b), (c)… Theo thứ tự đó quý vị có thể tìm ra nhanh một đoạn kinh hay một bài kinh trong quyển tuyển tập này. Trong phần PHỤ LỤC “Giới Thiệu Về Các Chương”, vị trí các đoạn kinh hay bài kinh cũng được ghi theo thứ tự đó. Ví dụ ghi: đoạn kinh I,1(1) có nghĩa nó nằm ở: Chương I, phần 1, mục (1); hoặc ghi: đoạn kinh IX,4(2)(b) có nghĩa nó nằm ở: Chương IX, phần 4, mục (2), chi mục (b). (E) Xin lưu ý trước khi đọc: Trong toàn bộ tập sách (nội dung các kinh, các chú thích và chú giải, phần phụ lục …) các chữ giải thích trong các ngoặc vuông […] là của thầy TKBĐ hoặc chữ đồng nghĩa; một số giải thích trong ngoặc tròn (…) là của người dịch chỉ để làm rõ nghĩa của câu chữ ở đó mà thôi (quý vị có thể bỏ qua nếu thấy không cần thiết). (F) Những chú-thích đã được để trong ngoặc […] là những chú-thích được trích dẫn từ bản dịch các Bộ Kinh. Cuối những chú-thích có đánh các số trong ngoặc ví dụ như (19), (380), (1021) … đó là số của những chú-thích trong các BỘ KINH gốc, và nhờ đó quý vị có thể tra đọc các chú-thích trong BỘ KINH đó một cách dễ dàng. (G) Những số chú-thích trong quyển tuyển-chọn này đã khác đi nhiều, bởi vì người dịch khi trích dẫn các kinh đã mang qua luôn nhiều chú-thích cần thiết có trong những kinh gốc thuộc các BỘ KINH, để cho người đọc được thêm nhiều chú-thích quan trọng của những đoạn trích đó. (H) Bản dịch tiếng Việt phổ thông của Bộ Kinh Liên Kết (SN), Bộ Kinh Tăng Chi (AN), Bộ Kinh Trung (MN) cũng đã được dịch và hiệu đính hoàn thiện bởi cùng người dịch, và được in lại để ấn tống cuối năm 2024. Quý vị nếu tìm thấy những từ ngữ hay câu chữ nào trong bản dịch có thể bị sai ít nhiều so với lời kinh nguyên thủy, quý vị có thể góp ý kiến, người dịch sẽ rất cảm ơn và sẽ trả lời hoặc giải thích trong thời gian rất nhanh. Email: lekimkha@gmail.com, hoặc ĐT: 0909503993, 0898909451 Cuối cùng, cầu chúc cho mọi người đọc hiểu dễ dàng những lời kinh bằng tiếng thuần Việt; những vị đã đọc học nhiều thì có thể đọc như ôn đọc lại, đọc lại theo hệ thống các chủ-đề, hoặc đọc để tìm hiểu lại những lời kinh của Phật cho xác đáng. Rồi, tôi cầu mong nhiều người đọc và nhìn ra ‘những lẽ-thực của sự-sống’, và ‘những lời dạy về giáo lý’ và ‘những hướng-dẫn tu tập’ mà Đức Phật lịch sử đã cố nói cho những Phật tử và dân chúng khác nhau suốt 45 năm cách đây gần 26 thế kỷ. Đó cũng là hy-vọng lớn lao nhất tôi dịch các Bộ Kinh và tập sách này. Nhà Bè, những ngày cuối năm 2016 (PL 2560) |
NỘI DUNG SÁCH: