"Những Sự Buồn Đau Là Lẽ Thực"

Trong một sự phản ứng lành mạnh đối với sự khổ đau và sợ hãi, chúng ta nên thiết lập một ý thức trước khi nó trở thành sự sân giận. Chúng ta có thể tu tập bản thân để ghi nhận được khoảng trống nằm giữa những khoảng khắc trải nghiệm giác quan và sự phản ứng sau đó. Bởi cái tính chất như-phân-tử của thức, nên chúng ta có thể ‘chen’ vào chỗ trống giữa bản năng và hành động, giữa những thúc giục và phản ứng. Để làm (tu) được điều đó, chúng ta phải học cách chịu đựng sự đau khổ và sợ hãi của chúng ta. Việc này không phải dễ làm. Như văn hào James Baldwin đã viết: “Hầu hết mọi người khám phá ra rằng, chỉ sau khi sự sân giận đã qua, họ mới thấy mình buộc phải đối mặt giải quyết sự khổ đau của mình.” Đó là lý do tại sao chúng ta nên bắt đầu bằng cách chú tâm vào những điều nhỏ, những đau khổ nhỏ, và thất vọng nhỏ.

Để làm việc (tu tập) một cách chân thành với sự sân giận, chúng ta cần phải hiểu được sự thâm thúy của Diệu Đế Thứ Nhất mà Đức Phật đã nói—đó là sự thật về khổ. Có sự khổ đau trong sự sống của chúng ta, trong thế giới này—những sự thất vọng, sự bất công, sự bội bạc, sự phân biệt giữa người và người, phân biệt chủng tộc, sự cô đơn, sự mất mát. Như hai nhà trị liệu ưu buồn là Buddy Guy và Junior Wells đã nói: “Những sự buồn đau là lẽ thực.” Không có chiến lược nào có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự mất mát và ưu buồn, sự bệnh đau và cái chết. Kiếp người là vậy. Sự sống của chúng ta vốn là vậy. Ngay cả khi chúng ta cố tránh né sự thật này, thì nó vẫn là sự thật. Một câu trong thiền tông nhắc nhở chúng ta rằng: “Dù bạn hiểu biết—mọi sự vẫn như chúng là. Dù bạn không hiểu biết—mọi sự cũng vẫn như chúng là.

Vậy liều thuốc nào tâm lý học Phật giáo có thể kê toa để trị liệu sự khổ đau do sân giận, ưu phiền? Đầu tiên, chúng ta trở nên có ý thức (tỉnh giác) về nguồn lực sân này bên trong chúng ta. Chúng ta nhận biết bên trong thân này của ta sự cứng rắn của tính hung hăng, sự khổ đau của cơn giận dữ, sự co lại vì sợ hãi. Rồi chúng ta trở nên thân mật hơn với sự thất vọng, sự sân giận, và tội lỗi của chúng ta.

Thứ hai, chúng ta học biết sự khác nhau giữa sự phản ứng và đáp ứng. Giống như khi đút miếng bánh mì vào khe lò nướng điện để nướng nóng khi chúng ta hấp tấp, bánh mì bị cháy, chúng ta phản ứng lụp chụp làm bánh mì bốc khói, hoặc đụng lụp cụp thành lò nướng, hoặc thấy bực mình và đút miếng bánh mì khác vào để nướng gấp thêm. Cứ lụp chụp rối tung như vậy. Khi có ai cắt ngang đường mình, ta có thể giận dữ bóp còi ầm ĩ, rượt theo chửi bới họ, chỉ cố trả đũa lại họ; hoặc chúng ta có thể thở nhẹ và buông bỏ đi. Khi chúng ta bị chỉ trích, khi chúng ta bị phản bội, chúng ta không cần phải làm tăng nỗi khổ đau của tình huống đó bằng cách thêm vào những phản ứng này nọ. Điều đó chỉ như đổ dầu thêm vào lửa.

Như Phật đã từng dạy, có hai mũi tên khổ đau. Mũi tên thứ nhất là sự việc đã xảy ra, đó là trải nghiệm khổ đau, khó chịu, ưu phiền. Nó đã xảy ra; chúng ta đâu thể tránh được nữa. Mũi thứ hai là mũi chúng ta tự gâm thêm vào mình. Mũi thứ hai chỉ là do ta, ta hoàn toàn có thể không gâm nó thêm vào mình. Chúng ta cứ làm cho trạng thái tâm của mình càng thêm co thắt, giận dữ, thô cứng, sợ hãi. Hoặc, sẽ lành hơn nhiều nếu chúng ta có thể học cách nếm trải sự việc khổ đau đã xảy ra mà không đồng hóa mình với nó và không sân giận với nó, với một trái tim buông thả và tha thương bi mẫn hơn nhiều.

Điều này có nghĩa chúng ta không thể phản ứng một cách mạnh mẽ hay sao? Không phải vậy. Đôi lúc chúng ta cũng cần phải đứng lên, xuống đường, phản đối, làm những gì cần thiết để bảo vệ sự sống của mình và đời sống của người khác. Những tấm gương đấu tranh bất bạo động như Gandhi và Martin Luther King Jr. là rất chiến lược và khéo léo theo cách như vậy. Họ tụ tập nhiều người, dùng các phiên tòa, phá vỡ những luật lệ sai trái, đứng chặn đường, thương lượng, tiến tới bước lùi, tìm kiếm đồng minh ủng hộ, và sử dụng những thứ như tiền bạc, quyền lực, sự xấu hỗ, diễn văn, và những cách khéo léo để đứng lên đòi cho được lẽ phải. Nhưng họ hành động như vậy không phải vì sự thù hằn và bạo động. Đó là những điển hình mạnh mẽ đáng noi theo. Khi sự sân giận vì-ta khởi sinh, chúng ta có thể buông bỏ nó. Lấy lại bình tĩnh và sự minh mẫn sắc bén của mình, chúng ta có thể tìm thấy sự công bằng và quân bình bằng cách đó, làm như vậy với một trái tim biết thương mến.

Đức Phật đã luôn thúc giục chúng ta hãy buông bỏ mọi sự sân giận, ngay cả sau khi những tình cảnh khó khăn cùng cực. Như trong một bài kệ kinh Pháp Cú (Dhammapada) Phật đã nói đại ý như vầy:

“Sự thù giận không thể làm hết thù giận,

“Chỉ có tình thương mới làm vơi đi thù giận.

“Đây là quy luật ngàn thu.”

Vậy đó, những buồn đau là lẽ thực vốn có trong sự sống của chúng ta, vì bản chất của mọi sự sống là khổ đau mà. Vậy ta nên biết chấp nhận  chúng  như một phần  của kiếp sống này,  bằng cách nhìn chúng với một sự bao dung và bi mẫn, ta không cần phải phản ứng sân giận hay phiền ưu với chúng, vì làm như vậy chỉ làm chúng ta thêm buồn đau và tổn thương mà thôi. Mỗi lần sân giận là thêm một lần rớt vào ‘địa ngục’. Chúng ta cứ luôn phản ứng sân giận, bực bội với mọi thứ khó chịu và buồn lòng trong mọi lúc mọi nơi, vậy đến biết bao giờ mới hết nỗi số lần chúng ta rớt vào địa ngục.

Cho  dù đó là lẽ thực,  những  buồn  đau dai dẳng  chỉ là do những sự nhận thức (tưởng) của chúng ta mà thôi, chúng thường không đúng với cái thực. Cho dù đó là lẽ thực không tránh khỏi, những sự đau buồn cũng đến rồi đi. Ta dẹp bỏ cái mũi tên sân giận và mũi dao sầu muộn đang được để sẵn trong tâm khảm của chúng ta như công cụ phản ứng nhanh với sự buồn đau có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu ta bớt nhận thức và phản ứng này nọ thái quá, nếu ta biết chấp nhận lẽ thực đó, ta sẽ thấy dễ chịu hơn. Ta không  ai oán với buồn  đau, cũng  không  chào  đón sự đau buồn, ta chỉ nhìn nó đến rồi đi, nhìn những nỗi đau buồn hàng ngày của ta, mà không cần làm gì cả; và sống cùng với chúng đến rồi đi trong kiếp đời ngắn ngủi này.

JK&K

Tải về file PDF: "Những Sự Buồn Đau Là Lẽ Thực"