Nghệ Thuật Biến Mất (bản In 2020)

Thiền sư Ajahn Brahm
Lê Kim Kha dịch

Nghệ Thuật Biến Mất

 

Lời người dịch

Kính gửi quý Tăng Ni và các độc giả:

Như quý thầy, quý vị cũng đọc lời giới thiệu của quyển sách: đây là quyển sách biên tập lại những bài-nói-chuyện của thiền sư Ajahn Brahm về thiền và tu tập. Với một giọng giảng giải giản dị, hiện đại giúp người nghe dễ hiểu thấy những ý-nghĩa thâm sâu và thực hành của đạo Phật.

Khi mới đọc quyển sách tôi thấy giống như thầy chỉ nói những điều chung chung, bình thường. Nhưng càng đọc thêm, tôi mới thấy những lời nói bình thường đó chính là những giáo lý thâm sâu về ý-nghĩa và thực-hành đạo Phật. Dường như những chỗ thầy ấy nói đều “trúng” những trạng thái và tâm cảnh mà những người tu thiền gặp phải. Và đó là những chỗ thầy nói-lại cái ý nghĩa thâm sâu mà Phật đã từng nói trong các kinh, và ngay đó thầy chỉ luôn cách giải quyết vấn đề tu tập ở chỗ đó.

Nói rõ hơn, trong quyển sách này chúng ta đọc thấy liên tục nhiều sự suy niệm, cách suy xét quán chiếu, cách lột tả ý nghĩa những câu chữ Phật đã nói, và đặc biệt rất nhiều chỉ dẫn về phần quan trọng nhất của thiền—đó là “thái-độ” của người thiền. Những sự chỉ dẫn và thủ thuật đơn giản nhưng rất diệu-dụng dẫn liền tới trị-liệu, và giải-tỏa, và những sự buông-bỏ liên tục…

Trong lời giới thiệu ngay trang sau, thầy Ajahn Brahm nói đây không phải là quyển sách hướng dẫn bài bản các bước tu tập như quyển sách kia của thầy [quyển “Thiền Theo Cách Phật Dạy Sẽ Đi Đến Giải Thoát”], đây chỉ là những bài giảng thầy nói về thiền và tu tập như một tiến trình biến-mất liên tục—đó là cách thầy ấy chỉ về sự buông-bỏ theo nghĩa Phật đã giảng dạy. Tuy nhiên tôi nghĩ quý vị nên đọc (trước hay sau) quyển sách kia, bởi vì những điều căn-bản thầy ấy nói trong quyển sách này đều dựa trên cái “sườn và các bước giáo khoa” của quyển sách kia; ví dụ như những giai-đoạn thiền như “giai đoạn hơi-thở-đẹp”, “giai đoạn hơi-thở biến-mất”, “giai đoạn tâm-ảnh nimitta”… Nếu quý vị đã đọc và đã thực hành theo các bước (từ bước chuẩn bị nền móng cho đến những bước tu tiến hơn) theo cách thiền sư Ajahn Brahm đã chỉ dẫn trong quyển sách kia, thì quý vị càng hiểu thấm thía hơn và bừng thấy thêm những điều thâm sâu khi đọc những lời dẫn chuyện trong quyển sách này. Tôi nghĩ là vậy.

Do nghĩ vậy nên tôi tạm gác những công việc biên dịch khác để dịch quyển sách này—với lòng nghĩ nó như một món quà tặng kèm theo quyển sách kia, và với lòng nguyện mong cho quý vị tự đọc và tự nhìn thấy thêm những cái lý tu tập từ trong những suy xét giản dị mà thấm sâu vào các ý nghĩa thực hành tuyệt hay mà Phật đã nói.

 

NỘI DUNG SÁCH:

Nghệ Thuật Biến Mất